Thủ tục thành lập công ty và đăng ký website 2020
Nội dung bài viết
- 1. Thành lập công ty cần chuẩn bị những gì?
- 1.1. Đăng ký thành lập công ty ở đâu?
- 1.2. Những giấy tờ cần chuẩn bị để hoàn thành hồ sơ thành lập công ty
- 1.3. Khắc con dấu cho công ty
- 1.4. Mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp
- 1.5. Các loại thuế phí sau khi thành lập công ty
- 1.6. Làm biển và treo biển công ty tại trụ sở công ty
- 1.7. Một vài lưu ý khi thành lập doanh nghiệp
- 2. Thông báo và đăng ký website với Bộ Công Thương
- 2.1. Những website nào phải đăng ký với Bộ Công Thương
- 2.2. Những website nào phải thông báo với Bộ Công Thương
- 2.3. Logo đã thông báo Bộ Công Thương và logo đã đăng ký với Bộ Công thương
- 2.4. Làm thế nào để có logo đã thông báo hoặc đã đăng ký với Bộ Công thương
- 2.5. Làm logo đăng ký và thông báo Bộ Công Thương ở đâu
1. Thành lập công ty cần chuẩn bị những gì?
1.1. Đăng ký thành lập công ty ở đâu?
Không nhất thiết phải thành lập công ty ở nơi cư trú, chúng ta hoàn toàn có thể đăng ký thành lập công ty ở bất kỳ nơi nào chúng ta muốn kinh doanh. Cụ thể ở Việt Nam chúng ta có thể đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch đầu tư của tỉnh hoặc thành phố nơi muốn kinh doanh để nộp hồ sơ.
Ngoài ra, hiện nay chúng ta có thể đăng ký qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ mà không cần đến tận nơi.
1.2. Những giấy tờ cần chuẩn bị để hoàn thành hồ sơ thành lập công ty
1.2.1. Hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn
- Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp theo mẫu quy định: 01 bản
- Điều lệ công ty: 01 bản
- Danh sách thành viên: 01 bản, bao gồm đầy đủ các thông tin họ tên, giới tính, quê quán, quốc tịch, tôn giáo, nơi thường trú, tạm trú, số CMND hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu, số vốn góp, chức vụ trong công ty nếu có.
Lưu ý: Nếu thành viên là cá nhân yêu cầu cung cấp bản photo CMND, căn cước hoặc hộ chiếu. Nếu thành viên là tổ chức yêu cầu cung cấp bản photo giấy phép kinh doanh hoặc giấy tờ tương đương.
1.2.2. Hồ sơ thành lập công ty cổ phần
- Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp theo mẫu quy định: 01 bản
- Điều lệ công ty: 01 bản
- Danh sách cổ đông sáng lập: 01 bản, yêu cầu như danh sách thành viên của công ty TNHH.
Lưu ý, nếu cổ đông sáng lập là nhà đầu tư nước ngoài cần cung cấp bản photo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
1.2.3. Hồ sơ thành lập công ty hợp danh
Hồ sơ chuẩn bị tương tự như hồ sơ thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn.
1.2.4. Hồ sơ thành lập công ty tư nhân
- Giấy đề nghị thành lập doanh nghiệp theo mẫu quy định: 01 bản
- 1 bản sao giấy CMND, hoặc thẻ căn cước công dân, hoặc hộ chiếu.
1.3. Khắc con dấu cho công ty
Sau khi có giấy phép kinh doanh (đồng thời cũng là mã số thuế doanh nghiệp), thủ tục tiếp theo cần làm là khắc con dấu và thông báo mẫu con dấu lên cổng thông tin điện tử quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Chúng ta có thể chọn doanh nghiệp khắc dấu uy tín để thực hiện. Thủ tục khắc dấu tròn bao gồm các giấy tờ sau:
- Giấy phép đăng ký kinh doanh photo công chứng.
- Bản photo CMND hoặc thẻ căn cước công dân của người đại diện pháp luật.
- Bản photo CMND hoặc thẻ căn cước công dân của người nhận con dấu (nếu nhận thay chủ doanh nghiệp).
Hồ sơ thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp bao gồm:
- Thông báo về việc sử dụng mẫu con dấu (Phụ lục II-8).
- Tờ khai thông tin người nộp hồ sơ
Sau khi thông báo mẫu con dấu được thông qua, Phòng Đăng ký kinh doanh trao giấy biên nhận cho doanh nghiệp và thực hiện đăng tải thông báo của doanh nghiệp trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
1.4. Mở tài khoản ngân hàng cho doanh nghiệp
Cần photo có công chứng mỗi loại 1 bản bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
- CMND hoặc căn cước công dân của người đại diện pháp luật
- Điều lệ công ty
- Thông báo về việc đăng tải thông tin con dấu doanh nghiệp
Sau đó làm theo hướng dẫn của ngân hàng và thông báo số tài khoản doanh nghiệp đến Sở kế hoạch đầu tư để cập nhật lên hệ thống thông tin quốc gia về doanh nghiệp và hệ thống thuế. Hồ sơ bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (thay đổi thông tin đăng ký thuế)
- Văn bản ủy quyền nếu có.
1.5. Các loại thuế phí sau khi thành lập công ty
- Thuế thu nhập doanh nghiệp
- Thuế giá trị gia tăng
- Phí môn bài
- Thuế thu nhập cá nhân
Ngoài ra, với một số lĩnh vực kinh doanh đặc thù sẽ phát sinh thêm một vài loại thuế khác, ví dụ như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt...
1.6. Làm biển và treo biển công ty tại trụ sở công ty
Đừng quên treo biển tại trụ sở công ty nếu không muốn bị cơ quan thuế kiểm tra và phạt. Biển công ty bao gồm những thông tin sau:
- Sở kế hoạch và đầu tư tỉnh/thành phố
- Tên công ty
- Địa chỉ
- Số điện thoại, email
1.7. Một vài lưu ý khi thành lập doanh nghiệp
1.7.1. Đặt tên công ty cần chú ý những gì
Tên công ty nên tránh những thương hiệu lớn nổi tiếng dễ gây nhầm lẫn, thường những nhãn hiệu này đã được đăng ký bảo hộ độc quyền nên tốt nhất tránh để khỏi phiền phức bị yêu đầu đổi tên.
Tuy nhiên chúng ta cũng có thể lựa chọn cách thêm tiền tố hậu tố vào những thương hiệu đó cũng được, nhưng tốt nhất là nên chọn một cái tên không đụng hàng.
1.7.2. Nên chọn loại hình doanh nghiệp nào
Ở Việt Nam hiện nay có 4 loại hình doanh nghiệp bao gồm: Công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty TNHH và công ty tư nhân. Tuy nhiên các doanh nghiệp hiện nay phần đông chọn 3 loại hình doanh nghiệp phía sau.
Nếu như sau này có nhu cầu tham gia thị trường chứng khoán thì chúng ta nên chọn công ty cổ phần. Nếu không chỉ nên chọn công ty TNHH bởi chúng có rất nhiều ưu điểm so với các loại hình còn lại.
Ngoài ra cũng không nên chọn công ty tư nhân bởi hạn chế của loại hình này là khi có vấn đề xảy ra bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản bạn có. Còn công ty TNHH chỉ phải chịu trách nhiệm bằng phần vốn góp.
1.7.3. Trụ sở công ty
Trụ sở công ty không nhất thiết phải là nơi công ty bạn kinh doanh và làm việc. Tuy nhiên trụ sở phải được treo biển công ty của bạn, có người nhận thư từ cơ quan thuế, phải liên hệ được nếu không muốn bị cơ quan thuế phạt.
Trụ sở công ty không thể là nhà tập thể, chung cư. Nếu thuê mượn địa điểm làm trụ sở phải cung cấp hợp đồng cho mượn, cho thuê và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
1.7.4. Nên đăng ký vốn điều lệ bao nhiêu
Vốn điều lệ là vốn doanh nghiệp tự kê khai và tự chịu trách nhiệm mà không cần chứng nhận hay xác minh nguồn gốc. Tuy nhiên nên dựa vào giá trị hợp đồng và trách nhiệm sau này để xác định vốn điều lệ. Vốn điều lệ càng cao thuế môn bài phải đóng càng nhiều.
1.7.5. Đăng ký ngành nghề kinh doanh
Doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên nếu như xác định sau này sẽ kinh doanh thêm một số ngành nghề khác thì nên đăng ký ngay từ đầu để tránh phát sinh thêm những thủ tục rắc rồi về sau khi xin mở rộng ngành nghề kinh doanh.
Chúng ta hoàn toàn có thể đăng ký trước mà không cần phải kinh doanh ngay hoặc chứng minh năng lực kinh doanh ngành nghề đó.
2. Thông báo và đăng ký website với Bộ Công Thương
Đừng lầm tưởng thông báo và đăng ký website với Bộ Công thương là một nhưng thực chất nó được phân chia cho từng loại website khác nhau.
2.1. Những website nào phải đăng ký với Bộ Công Thương
- Website thương mại điện tử bao gồm các sàn giao dịch thương mại điện tử, sàn đấu giá trực tuyến, website khuyến mại trực tuyến.
- Các ứng dụng di động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
2.2. Những website nào phải thông báo với Bộ Công Thương
- Các website thương mại điện tử bán hàng: Chỉ cần có hoạt động xúc tiến thương mại như quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, giới thiệu đều được gọi là website thương mại điện tử bán hàng.
Các website chỉ giới thiệu về công ty hay dịch vụ, sản phẩm mặc dù không có chức năng bán hàng hay thanh toán trực tiếp cũng đều phải làm thông báo với Bộ Công Thương.
- Các ứng dụng di động bán hàng.
2.3. Logo đã thông báo Bộ Công Thương và logo đã đăng ký với Bộ Công thương
Lưu ý, có rất nhiều website giả mạo một trong hai loại logo trên nhưng chưa hề đăng ký hay thông báo. Những website này không được cung cấp đường dẫn tới website của Bộ Công thương. Để tránh bị phạt, chúng ta không nên tự đặt những logo như thế này mà nên làm đăng ký hoặc khai báo cẩn thận.
2.4. Làm thế nào để có logo đã thông báo hoặc đã đăng ký với Bộ Công thương
2.4.1. Chuẩn bị hồ sơ làm logo đã thông báo hoặc đã đăng ký với Bộ Công thương
Chi phí để có logo hoàn toàn miễn phí, nhưng chúng ta cần chuẩn bị một số giấy tờ kèm theo như:
- Giấy đăng ký kinh doanh
- Quyết định thành lập (đối với tổ chức)
- Một số giấy tờ khác tùy thuộc ngành nghề kinh doanh
2.4.2. Website muốn làm logo đã thông báo hoặc đã đăng ký cần đáp ứng yêu cầu gì
Website phải hoàn thiện những yêu cầu cơ bản sau:
- Hướng dẫn mua hàng
- Chính sách giao hàng
- Hình thức thanh toán
- Chính sách bảo hành đổi trả
- Chính sách bảo mật thông tin
Ngoài ra, chúng ta cũng cần cung cấp các thông tin liên quan đến doanh nghiệp trên website như mã số thuế, địa chỉ, email, số điện thoại liên hệ...
2.5. Làm logo đăng ký và thông báo Bộ Công Thương ở đâu
- Nếu làm thông báo, chỉ cần điền thông tin theo hướng dẫn vào website của Bộ Công thương: http://online.gov.vn/
- Nếu website của bạn phải làm logo đã đăng ký Bộ Công thương thì phải cần thêm hồ sơ nộp về Cục TMĐT và CNTT – Bộ Công thương tại địa chỉ 25 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội để được xác nhận.
Nếu có thắc mắc về hồ sơ giấy tờ đăng ký cũng có thể vào đường link trên liên hệ để được tư vấn và giải đáp.
Trên đây là toàn bộ những gì cần làm để thành lập công ty cũng như đăng ký logo với Bộ Công Thương, bạn đã chuẩn bị đủ chưa?
Khởi nghiệp không bao giờ là dễ dàng nhưng nếu chuẩn bị tốt chúng ta sẽ có những bước tiến vững chắc trong tương lai. Delecweb chúc bạn thành công, khởi nghiệp thuận lợi, không ngừng phát triển!
Và đừng quên nếu muốn làm website chuyên nghiệp chuẩn SEO liên hệ Delecweb nhé! Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn.
HIỆN NAY DELECWEB ĐANG CÓ CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN MÃI TẶNG NGAY 03 KHÓA HỌC MARKETING ONLINE KHI THIẾT KẾ WEB TRONG VÒNG 03 HÔM NAY, NHANH TAY BẠN NHÉ.
QKQuang Kính
Cám ơn Delecwweb về bài chia sẻ. Rất hữu ích cho những doanh nghiệp mới.